TIẾP CẬN THEO KỸ NĂNG
Phương pháp đào tạo nguồn nhân lực

Trang chủ

Việt Nam, một đất nước với một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, không những xứng đáng là con rồng của Châu Á mà đã và đang còn vươn xa hơn nữa ra các châu lục khi đã gia nhập vào nền kinh tế thế giới WTO. Cùng với sự phát triển về kinh tế, sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ, kỹ thuật và công nghiệp của Việt Nam qua những năm mở cửa cũng là điều đáng ghi nhận.

Để đáp ứng được sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn chuyển mình trong đó có xu hướng đầu tư mạnh mẽ chưa từng có tại Việt Nam thì phát triển  nguồn nhân lực luôn là mối quan tâm đặc biệt của quốc gia.Vì theo đánh giá, Việt Nam sẽ tạo ra 8-10 triệu việc làm trong 10 năm tới và để đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng lao động, Chính phủ Việt Nam đã có những chiến lược phát triển nguồn nhân lực nhằm xây dựng và làm chủ đất nước. Và một trong những vấn đề trọng tâm đó là tập trung đào tạo nghề và kỹ thuật cho nguồn nhân lực trình độ cao đóng góp vào sự nghiệp hiện đại hóa đất nước và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 

Mặc dù trong những năm qua tại Việt Nam, hệ thống giáo dục đã có những tiến triển đáng kể. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và các chương trình đào tạo đang được cải cách nhằm góp phần cải thiện chất lượng hệ thống. Nhưng việc đào tạo lại không phải lúc nào cũng đáp ứng nhu cầu và mong đợi của người học và thị trường lao động. Cũng như ở các khác nước (kể cả ở những nước phát triển) vấn đề đó là việc từ lâu hai mảng «kinh tế» và «giáo dục» không có sự liên kết với nhau. Hay nói cách khác, không có tiếng nói chung giữa hai thái cực này. Và đa số các chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế và các nhà nghiên cứu thị trường nhân lực đều chỉ ra thực tế là:

- Đa số sinh viên vừa mới ra trường rất năng động, nhiệt tình, ham học hỏi nhưng lại thiếu hiểu biết thực tế và gặp khó khăn khi áp dụng các kiến thực lý thuyết vào công việc mới.

- Phần lớn các sinh viên này vừa yếu cả lý thuyết lẫn thực hành. Khi được tuyển dụng, họ lại phải học một khoá bổ túc. Điều ngạc nhiên nữa là những lý thuyết họ đã học không thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Khả năng tưởng tượng, đổi mới và sáng tạo vẫn chưa đạt được.

- Sự phát triển các chuyên ngành nới rộng khoảng cách giữa cái mác «chuyên nghiệp hoá» với thực tế đào tạo mang tính hàn lâm.

Việc xem xét lại hoạt động giáo dục đào tạo còn giúp phát hiện thêm một số chậm trễ lớn khác:

- Việc chuyển tải kiến thức vẫn chiếm vai trò nổi trội trong khi đó các hoạt động học tập và chiếm lĩnh tri thức không được dành nhiều thời gian. Kiến thức chủ yếu vẫn do thầy giáo truyền đạt. Những gì được học trong lớp đều bị quên đi nhanh chóng ngay sau đó.

- Đa số các kỳ thi chỉ kiểm tra việc tiếp thu kiến thức chứ không kiểm tra khả năng kết hợp đúng đắn kiến thức theo tình huống. Dẫn chứng cho hình thức này là việc làm bài kiểm tra trên giấy.

- Tính liên ngành mà hoạt động nghề nghiệp đòi hỏi chưa được nhà trường coi trọng: việc giảng dạy các bộ môn vẫn tách rời nhau và hoạt động làm việc theo nhóm giữa các giáo viên thuộc các bộ môn khác nhau hầu như chưa phổ biến.

Để đương đầu với thử thách mới này, hệ thống giáo dục Việt Nam đang phải thực hiện nhiều thay đổi căn bản :

- chuyển từ đào tạo thuần tuý theo môn học sang đào tạo theo yêu cầu ;

- chuyển từ mô hình đào tạo dựa trên giảng dạy sang mô hình đào tạo áp dụng cả giảng dạy, học tập và đánh giá để đảm bảo việc tiếp thu các kỹ năng ở người lao động chuyên nghiệp hay người kỹ thuật viên tương lai ;

- sự phù hợp giữa đào tạo và việc làm cũng bắt buộc phải có sự hợp tác giữa môi trường giáo dục với môi trường lao động.

Và đấy cũng chính là điều mà phương pháp tiếp cận theo kỹ năng đề cập vì phương pháp tiếp cận theo kỹ năng là một hệ sư phạm hoàn chỉnh, là cơ sở luận để giúp chúng ta thay đổi về phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo và quản lý đào tạo.

Copyright © 2015-Phương pháp Tiếp cận Theo Kỹ năng. ALL RIGHTS RESERVED. Ce site web a été créé gratuitement avec Ma-page.fr. Tu veux aussi ton propre site web ?
S'inscrire gratuitement